Với những điểm nổi trội so với các lĩnh vực năng lượng tái tạo khác, điện gió ngoài khơi ngày càng được nhiều quốc gia châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, quan tâm.
Tại sự kiện chiều 23/3, ông Bùi Vĩnh Thắng – Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam của Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC) – nhận định điện gió ngoài khơi đóng vai trò quan trọng với Việt Nam trong việc thể hiện cam kết đóng góp vào quá trình chuyển đổi năng lượng xanh.
Theo ông Thắng, điện gió ngoài khơi sẽ đem lại đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam, cũng như cân bằng cán cân thương mại, giảm sự phụ thuộc vào than và khí. Ông cho rằng hiện tại, ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam bắt đầu manh nha, và sẽ trở thành ngành cạnh tranh với than và khí nếu như có được sự hỗ trợ cần thiết.
“Một trong những điểm vượt trội của điện gió ngoài khơi so với các nguồn năng lượng tái tạo khác là độ ổn định cao, không bị chậm trễ như dự án than và khí. Ngoài ra, nguồn này cũng có khả năng giảm phát thải nhà kính nhiều nhất so với các năng lượng tái tạo khác như điện gió trên bờ, điện khí và điện mặt trời”, ông chia sẻ.
Với những ưu điểm này, ông Thắng cho biết ngày càng có nhiều quốc gia có tham vọng về năng lượng tái tạo nói chung và điện gió ngoài khơi nói riêng.
Tại châu Á – Thái Bình Dương, các nước khác như Hàn Quốc, Australia, cùng với Việt Nam, trở nên cạnh tranh với nhu cầu lớn hơn trong lĩnh vực này, đưa ra các chính sách hỗ trợ năng lượng điện gió ngoài khơi trong khu vực.
Ông Thắng đưa thông tin trên tại hội thảo Đối thoại Đại dương lần thứ 10 với chủ đề: “Năng lượng tái tạo ngoài khơi: Cơ hội và thách thức đối với quá trình chuyển đổi xanh”. Sự kiện được tổ chức vào ngày 23/3, do Học viện Ngoại giao Việt Nam và viện Konrad Adenauer Stiftung (KAS) đồng tổ chức.
Trách nhiệm hợp tác giữa các nước
Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) ước tính đến năm 2050, 90% điện năng trên thế giới có thể và nên đến từ năng lượng tái tạo. Do đó, hiện tại, có nhiều quốc gia đang áp dụng nhiều công nghệ nhằm thiết lập năng lượng gió ngoài khơi.
Trong bối cảnh đó, Phó giáo sư Shambhu Sajith từ Đại học Nghiên cứu Dầu khí và Năng lượng của Ấn Độ nhận định có nhiều quốc gia đang gặp rào cản trong việc triển khai các dự án gió ngoài khơi. Ông dẫn ví dụ của Ấn Độ, khi nước này xây dựng chính sách năng lượng gió ngoài khơi quốc gia vào năm 2015, nhưng cho đến nay, chưa có dự án năng lượng gió ngoài khơi nào hoạt động.
Xem thêm: Bảo trì điện gió
Điều này cho thấy tính cấp thiết của việc phải có những chính sách giải quyết những rào cản này. Ông Sajith chỉ ra một số thách thức, trong đó có thách thức về công nghệ và tài chính.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh tới vị trí của các dự án năng lượng tại Biển Đông và Ấn Độ Dương. Theo đó, việc đặt dự án ngoài khơi tại các khu vực tranh chấp có thể thổi bùng những căng thẳng về chính trị giữa các quốc gia. Do đó, các quốc gia, đặc biệt trong cùng một khu vực, cần hợp tác nhằm giải quyết thách thức này.
Vị phó giáo sư dẫn ví dụ về vai trò đi đầu của Trung Quốc và Ấn Độ trong triển khai năng lượng tái tạo ngoài khơi. Tuy nhiên, hai quốc gia này đang có những căng thẳng trên vùng biển Ấn Độ Dương, ngăn cản họ xây dựng hợp tác trong không gian năng lượng tái tạo.
“Trước đây, chúng ta nhận thấy dầu khí là lĩnh vực then chốt địa chính trị, nhưng trong tương lai sẽ là các nguồn cung nguyên liệu xây dựng tuabin gió ngoài khơi. Chúng ta cần đồng, nam châm, mangan, lithium, nhưng không phải quốc gia nào cũng có những tài nguyên này”, ông nói.
Do đó, xu hướng này có thể tạo ra căng thẳng giữa những quốc gia muốn tăng cường sản xuất điện gió ngoài khơi. Với nguyên liệu dồi dào, Trung Quốc có nguồn cung trong lĩnh vực này, vị chuyên gia từ Ấn Độ nhận định.
Do đó, “Ấn Độ và Trung Quốc phải đóng vai trò quan trọng ở khu vực Ấn Độ Dương và Biển Đông nhằm khuyến khích đầu tư. Đồng thời, các quốc gia khác cần hợp tác để chia sẻ thông lệ, kiến thức, công nghệ nhằm dựng xây một hành tinh xanh”, ông Shambhu Sajith kết luận.
UNCLOS là không đủ
Cũng tại hội thảo, các diễn giả cũng đề cập tới khía cạnh pháp lý, trong đó nhắc tới UNCLOS và năng lượng tái tạo ngoài khơi.
Phó giáo sư Maria Madalena das Neves đến từ trường UiT Arctic University of Norway của Na Uy cho biết mặc dù UNCLOS không đề cập toàn diện tới năng lượng ngoài khơi, công ước đã tạo ra những cơ sở nền tảng cho phép ban hành các quy định và đạo luật liên quan hoạt động trên biển. UNCLOS có nhắc tới một số quy định và nghĩa vụ bảo vệ môi trường.
“Công ước cũng đưa ra một số hướng dẫn, nhưng trong một số trường hợp cụ thể chưa chi tiết. Trong UNCLOS đề cập tới quyền tài phán của các quốc gia trong những vùng biển khác nhau, điều chỉnh 2 khía cạnh quan trọng nhất liên quan tới năng lượng ngoài khơi: Quyền tài phán về cáp biển, đường ống, và xây dựng đảo nhân tạo”, bà nói.
Tuy nhiên, công ước cũng có một số lỗ hổng, như xung đột giữa quyền chủ quyền của quốc gia ven biển và quyền tự do hàng hải, vì điều này phụ thuộc vào công nghệ triển khai tại khu vực đó, đồng thời yêu cầu phải cân bằng lợi ích giữa các chủ thể. UNCLOS cũng chưa nêu rõ trạng thái của các thực thể nổi, khi chưa rõ sẽ thuộc về quốc gia treo cờ hay quốc gia ven biển.
Bà đề cập một yếu tố khác là các dự án phức tạp liên quan tới nhiều quốc gia, chồng chéo những quy định, quy chuẩn khác nhau sẽ không hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư. Vị phó giáo sư cũng cho biết UNCLOS chưa đề cập rõ ràng tới khía cạnh quan ngại an ninh, bảo vệ hạ tầng năng lượng gió hay tái tạo ngoài khơi, hoạt động khủng bố, phá hoại,…
Xem thêm: Nhà thầu thi công điện gió tại Việt Nam
“UNCLOS không quy định tất cả khía cạnh liên quan tới sử dụng không gian biển, nhưng cũng có một số cơ chế và tiền đề để giải quyết vấn đề. Mặc dù thiếu chi tiết, UNCLOS chưa bao giờ là rào cản với việc triển khai năng lượng ngoài khơi. Thách thức chính ở đây là việc diễn giải luật không đúng, hoặc khó khăn về chính trị cản trở thực thi công ước”, bà kết luận.
Theo ZingNews