Nhiều tập đoàn lớn khẳng định sẽ đầu tư vào điện gió ngoài khơi của Việt Nam nếu gỡ được những nút thắt về cơ chế, đặc biệt là giá. Các tổ chức quốc tế cũng khuyến nghị, Việt Nam nên tăng công suất điện gió ngoài khơi lên 10 GW đến năm 2030, nhằm tận dụng tiềm năng sẵn có.
Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) vừa kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đề xuất loạt giải pháp nhằm bảo đảm phát triển bền vững cho ngành điện Việt Nam. Một trong những đề xuất đáng chú ý của VEA là cần tăng mức công suất phát triển điện gió ngoài khơi tới năm 2030 lên khoảng 7 lần (lên 15.000 – 20.000 MW) so mức 2.000-3.000 MW (tương đương 2-3 GW) trong dự thảo Quy hoạch điện VIII.
Thực tế cho thấy, hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài đang có những bước đi đầu tiên trong việc triển khai hàng loạt dự án vốn đầu tư hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ USD để phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam.
Trong số này, phải kể đến dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind, quy mô 3,4 GW, tổng mức đầu tư lên đến 11,9 tỷ USD (tương đương khoảng 274.000 tỷ đồng). Tháng 7 tới, dự án này sẽ hoàn tất việc lắp đặt phao nổi để tiến hành thu thập số liệu hải dương học (sóng, gió, dòng chảy…) tại khu vực khảo sát.
Có quy mô lớn nhất tính đến thời điểm này tại Việt Nam phải kể đến là dự án điện gió ngoài khơi La Gàn thuộc liên doanh giữa Công ty cổ phần năng Năng lượng dầu khí châu Á (Asiapetro), Novasia Energy và Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP, Đan Mạch), công suất 3,5 GW, vốn đầu tư khoảng 10,5 tỷ USD (tương đương 242.000 tỷ đồng). Theo đánh giá, dự án La Gàn với công suất 3.5W có thể đóng góp hơn 4,4 tỷ đô la cho nền kinh tế Việt Nam.
Đại gia năng lượng Đan Mạch, Tập đoàn Orsted cách đây hơn một tháng cũng cho biết sẽ chọn Việt Nam để đầu tư điện gió ngoài khơi, sau loạt dự án thành công tại châu Á.
Còn tại Bà Rịa Vũng Tàu, nhà đầu tư trong nước là HBRE Group và đối tác Pháp đã rót một tỷ USD (khoảng 23.000 tỷ đồng) vào dự án điện gió ngoài khơi với công suất 500 MW…
Cần chính sách phát triển ổn định
Tại cuộc họp trực tuyến của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) cách đây ít ngày, đại diện nhiều tập đoàn quốc tế cho rằng, để phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, các cơ quan quản lý cần đưa ra chính sách ổn định ban đầu, với cơ chế khuyến khích từ giá FIT để nhà đầu tư yên tâm rót vốn. Sau khi thị trường đã phát triển ở quy mô nhất định, Chính phủ đánh giá chính sách và có thể chuyển tiếp sang cơ chế giá mới khi phù hợp.
Bà Liming Quiao, Giám đốc khu vực châu Á của GWEC cho hay, trong gần 10 năm qua, giá sản xuất điện từ nguồn điện gió ngoài khơi đã giảm tới 70% và dự kiến tiếp tục giảm trong thời gian tới nhờ sự cải tiến công nghệ, nâng cao hiệu suất.
Theo bà Liming Quiao, sản lượng dự kiến cho điện gió ngoài khơi ở Tổng sơ đồ điện VIII có thể cao hơn, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt mục tiêu 10GW trước năm 2030, song cần có cơ chế tương ứng.
“Chúng tôi ủng hộ Nhà nước thực hiện cơ chế giá theo hướng đấu thầu, nhưng cần có giai đoạn chuyển tiếp trên cơ sở thực hiện cơ chế hỗ trợ. Ví dụ như ban đầu thực hiện theo giá cố định (giá FIT) cho khoảng 4-5GW đầu tiên”, bà Liming chia sẻ và cho rằng, các các nhà đầu tư điện gió ủng hộ cơ chế giá đấu thầu nhưng cần có giai đoạn chuyển tiếp trên cơ sở thực hiện giá FIT. Chẳng hạn, nên kéo dài áp dụng giá FIT cho 4-5 GW đầu tiên.
Ông Sebastian Hald Buhl, Giám đốc Orsted tại Việt Nam cũng cho rằng, để phát triển mạnh điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, không phải cứ thực hiện cơ chế đấu thầu ngay là có mức giá thấp hơn giá FIT (cơ chế khuyến khích thông qua giá mua điện cố định 20 năm kể từ ngày vận hành). Nếu không có giai đoạn chuyển tiếp từ giá FIT chuyển sang cơ chế đấu thầu, giá điện có thể tăng cao hơn.
Về việc các dự án điện gió sẽ chuyển sang cơ chế đấu thầu nếu không kịp thời hạn ngày 1/11, bà Maya Malik, Giám đốc cấp cao COP, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển dự án điện gió La Gan cho rằng, nếu triển khai ngay cơ chế đấu thầu, cần phải đảm bảo có mức giá thấp. Nếu làm đấu thầu, nhà đầu tư phải đảm bảo giá thấp trong thời gian dài và không để xảy ra sai lầm.
“Hiện ở Việt Nam không có chuỗi cung ứng, chính sách không rõ ràng, hợp đồng mua bán điện muốn dùng để vay vốn rất khó nên chúng tôi không thể tính toán tài chính cụ thể cho dự án. Nếu giá không cao sẽ khó thực hiện dự án. Vì vậy chúng tôi ủng hộ cần có giai đoạn chuyển đổi từ từ để hướng tới đấu thầu chứ không phải thực hiện đấu thầu ngay”, bà Maya nói.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong số 130 dự án điện gió đã ký hợp đồng mua bán điện với tập đoàn với tổng công suất hơn 7.400MW, số dự án đã đưa vào vận hành thương mại là 12 dự án với tổng công suất là 581,93 MW.
Trong năm nay, sẽ có 105 dự án vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 để kịp hưởng giá bán điện ưu đãi 8,5 cent/kWh (khoảng 1.927 đồng) với điện gió trên đất liền và 9,8 cent/kWh (khoảng 2.223 đồng) với điện gió ngoài khơi theo quyết định 39. Tuy nhiên, dự kiến có 13 dự án sẽ không kịp vận hành trước ngày 1/11 năm nay để được hưởng cơ chế ưu đãi.
Trong số đó, Cà Mau có 4 dự án, Quảng Trị có 3 dự án, Bến Tre có 2 dự án và các tỉnh Bạc Liêu, Bình Thuận, Sóc Trăng, Trà Vinh có 1 dự án. Tuy vậy, EVN cho hay trong tổng công suất đã phê duyệt quy hoạch khoảng 12.000MW, vẫn còn khoảng 4.600MW chưa đàm phán ký kết hợp đồng mua bán điện.
EVN cảnh báo, các dự án dự kiến vận hành sau ngày 1/11 có thể gặp rủi ro về quá tải và thừa nguồn. Đặc biệt, vấn đề quá tải thường không được xử lý ngay trong thời gian ngắn khi cơ sở pháp lý để ký hợp đồng mua bán điện chưa rõ ràng.
Theo TienPhong