Nhiều chủ đầu tư “hụt hẫng” khi khung giá mua điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp – tín hiệu giúp họ cứu các dự án – thấp hơn giá FIT ưu đãi tới gần 30%.
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định 21 về khung giá điện cho các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Khung giá phát điện này là cơ sở để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thoả thuận giá mua điện từ các nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp.
Có 16 dự án điện mặt trời và 62 dự án điện gió trong diện chuyển tiếp, tức là những dự án đã đầu tư, triển khai nhưng chưa kịp hoàn thành trước hạn giá FIT ưu đãi hết hiệu lực, với điện mặt trời là 1/1/2021 và điện gió 1/11/2021.
Theo đó, giá trần của dự án điện mặt trời chuyển tiếp khoảng 1.185-1.508 đồng một kWh và điện gió 1.587-1.816 đồng một kWh, tuỳ loại hình.
Trong báo cáo mới nhất, Công ty Chứng khoán VNDirect phân tích, khung giá mới của Bộ Công Thương với các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp phần nào “gây hụt hẫng cho các nhà đầu tư”. Bởi khung giá này thấp hơn 21-29% so với cơ chế giá FIT ưu đãi trước đây. Mặt khác, đây là mức giá tối đa để EVN và các nhà phát triển năng lượng đàm phán giá mua điện. Tức là giá mua thực tế từ các dự án điện tái tạo chuyển tiếp có thể dưới hoặc bằng mức giá tối đa này.
“Khung giá mới là những tín hiệu giải cứu đầu tiên cho các nhà phát triển năng lượng, khi các dự án đã bị đình trệ một khoản thời gian dài sau khi giá FIT hết hạn. Nhưng không phải dự án nào cũng ghi nhận mức sinh lời hiệu quả, thậm chí một số còn giảm tỷ suất sinh lời nội tại (IRR)”, theo VNDirect.
Chủ đầu tư một dự án điện gió tại Ninh Thuận không kịp vận hành thương mại trước 1/11/2021 cho hay, doanh nghiệp tính toán đạt tỷ suất sinh lời của dự án khoảng 12% nếu kịp hưởng giá FIT ưu đãi. Với khung giá tối đa giảm trên 20%, ông cho hay, tỷ suất sinh lời của dự án giảm mạnh, chỉ còn khoảng 8%.
“Hơn 15 tháng qua, chúng tôi mòn mỏi chờ đợi giá, biết là giá mới sẽ không thể cao như giá FIT ưu đãi, nhưng thực tế mức chốt cuối cùng lại thấp hơn nhiều kỳ vọng”, vị này nói.
Loại hình | Giá trần khung giá (đồng/kWh) | Giá FIT ưu đãi (quy đổi sang VND, đồng/kWh) | Thay đổi giữa khung giá và giá FIT (%) |
Điện mặt trời mặt đất | 1.184,9 | 1.680 | -29,5 |
Điện mặt trời nổi | 1.508,27 | 1.823 | -17,3 |
Điện gió trên bờ | 1.587,12 | 2.015 | -21,2 |
Điện gió gần bờ | 1.815,95 | 2.323 | -21,8 |
Lãnh đạo Công tỷ cổ phần Năng lượng gió Chư Prong Gia Lai – đơn vị có 4 dự án điện gió bị lỡ hẹn giá FIT ưu đãi – cho hay, so với suất đầu tư doanh nghiệp đã bỏ ra, doanh nghiệp bị lỗ nếu bán ra với mức giá 1.587 đồng một kWh (tương đương khoảng 6,8 cent). Chưa kể, giá mua tại khung giá mới tính theo VND, khiến các nhà phát triển dự án năng lượng bị gặp bất lợi khi tỷ giá biến động.
Phân tích của VNDirect cũng cho thấy, IRR các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp giảm đáng kể so với nếu họ được hưởng giá FIT ưu đãi. Chẳng hạn, IRR của các dự án điện mặt trời khi áp dụng khung giá mới chỉ trên 5%, trong khi nếu được áp dụng giá FIT ưu đãi (1.680 đồng một kWh) thì tỷ suất sinh lời là 11,7%.
Còn các dự án điện gió (trên bờ, gần bờ) mức IRR giảm xuống lần lượt 8% và 7,9% từ mức 12,7-12,9 % theo giá FIT cũ.
Tuy nhiên, giới chuyên gia năng lượng lại cho rằng, mức giá mới đưa ra có thể chưa như kỳ vọng của các nhà đầu tư nhưng là hợp lý. Khung giá mới cũng là tín hiệu “giải cứu” cho các nhà phát triển năng lượng khi các dự án lỡ hẹn giá FIT đã phải nằm chờ suốt thời gian dài qua do chưa có giá.
“Khung giá điện mới cho các dự án chuyển tiếp được cơ quan quản lý đưa ra đã được cân nhắc kỹ. Mức này chưa như kỳ vọng các nhà đầu tư nhưng giúp họ dễ thở hơn, thu được tiền về hơn là tiếp tục chờ đợi mòn mỏi”, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, nói.
Chuyên gia phân tích của VNDirect khuyến nghị các doanh nghiệp cần cắt giảm chi phí đầu tư, xây dựng, hoạt động, lãi vay… để tăng sinh lời với khung giá mới.
Các yếu tố liên quan tới số giờ vận hành, suất đầu tư, lãi vay… khác nhau giữa các dự án, nên theo VNDirect, nhà phát triển nào có năng lực, quy mô và khả năng huy động vốn rẻ vẫn có cơ hội.
Hiện có khá nhiều yếu tố hỗ trợ giảm chi phí đầu tư năng lượng tái tạo thời gian tới. Một trong số này được kỳ vọng là tuyên bố hỗ trợ Việt Nam khoảng 15,5 tỷ USD để chuyển đổi xanh trong 3-5 năm tới của JETP. Đây là nguồn vốn dồi dào với mức lãi suất rẻ để các nhà đầu tư năng lượng tái tạo chuyển tiếp có thể vay, hoạt động hiệu quả tái cấu trúc nợ trong thời gian tới.
Mặt khác, theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, chi phí đầu tư dự án năng lượng tái tạo sẽ giảm dần từ nay tới 2030, như điện mặt trời, điện gió trên bờ giảm 1,5% mỗi năm, còn điện gió ngoài khơi ghi nhận mức giảm gấp đôi, 3% từ nay đến 2045. Đây là yếu tố hỗ trợ phát triển các dự án sắp tới, bởi chi phí đầu tư dự án điện tái tạo giảm sẽ phần nào bù đắp việc phải huy động ở mức giá thấp cho các dự án năng lượng tái tạo diện chuyển tiếp.
Nhiều nhà đầu tư tiếc nuối vì khung giá mới đưa ra chưa như mong muốn, nhưng theo phân tích của VNDirect, vẫn có những doanh nghiệp được hưởng lợi.
Công ty chứng khoán này nhận thấy Công ty cổ phần Tập đoàn PC1 (PC1) sẽ là doanh nghiệp hưởng lợi đầu tiên khi đây là một trong những nhà xây lắp, thầu EPC (thiết kế, mua sắm và xây dựng) các dự án điện gió, đường dây và trạm biến áp. Doanh nghiệp này cũng đang có những khoản vay ưu đãi, lãi suất thấp (5-6%) so với các doanh nghiệp phát triển dự án điện gió khác. Theo VNDirect, đây là lợi thế lớn không chỉ cho hiệu quả dự án, còn tạo tiền đề để doanh nghiệp tiếp tục được tài trợ các khoản vay chi phí vốn thấp trong tương lai.
Tương tự, các doanh nghiệp khác như Công ty cổ phần Tập đoàn Bamboo Capital (BCG), Trung Nam, T&T Group hay Công ty cổ phần điện Gia Lai (GEG)… do sở hữu các dự án thuộc diện chuyển tiếp cũng được đánh giá hưởng lợi. Họ sẽ giải toả được áp lực dòng tiền khi các dự án nằm trong điện chuyển tiếp đàm phán được giá với bên mua – EVN.
Trong số các dự án đang chờ khung giá điện mới, có 5 dự án hoặc phần dự án điện mặt trời công suất hơn 452 MW chờ xác định giá điện và 62 dự án điện gió với tổng công suất gần 3.480 MW đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN. Ngoài ra còn một số dự án đang đầu tư, triển khai dở dang cũng chờ cơ chế, giá chuyển tiếp để đàm phán giá, hợp đồng mua bán điện với EVN.
Sau khi khung giá cho các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp được ban hành, Bộ Công Thương giục các chủ đầu tư dự án trong diện lỡ hẹn giá FIT nhanh chóng đàm phán với EVN để xác định giá mua, đảm bảo không vượt khung giá của Bộ. Việc này, theo Bộ Công Thương, để sớm đưa các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên.
Theo VNExpress