Hàng loạt dự án điện gió đang gấp rút xây dựng tại Quảng Trị đã đón nhận tin vui bởi các công trình giải tỏa công suất đang dần về đích, giúp các nhà máy có thể bớt đi gánh nặng không thể bán điện lên lưới trước giờ “G”.
Sáng 30-6, trạm biến áp 220kV Lao Bảo (Quảng Trị) với máy biến áp 250 MVA đóng điện thành công, dự kiến toàn bộ đường dây truyền tải 220kV Đông Hà – Lao Bảo cũng sẽ hoàn thành trong 9-2021.
Đây là công trình quan trọng để giải tỏa công suất cho các dự án điện gió phía tây Quảng Trị kịp vận hành thương mại (COD) trước ngày 1-11-2021, để hưởng mức giá ưu đãi 8,5 cent/kWh (khoảng 1.927 đồng) trong 20 năm theo quyết định 39 của Chính phủ.
Dự án do Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung trực tiếp quản lý, điều hành dự án. Hiện nay đã có 17 nhà máy điện gió trong khu vực phía tây Quảng Trị đăng ký truyền tải điện về trạm biến áp 220kV Lao Bảo.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Đức Tuyển – giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung – cho biết tiến độ xây dựng công trình truyền tải 220kV Đông Hà – Lao Bảo gặp khó do đền bù, giải phóng mặt bằng.
Theo ông Tuyển, các dự án điện gió do tư nhân đầu tư, gấp rút triển khai nên có thể “đi đêm” với người dân, bỏ ra mức đền bù với chi phí cao.
Trong khi đó, dự án truyền tải này đền bù theo khung giá của địa phương nên một số người dân so sánh giá giữa tư nhân và Nhà nước, dẫn đến chậm tiến độ giải phóng mặt bằng.
Tuy vậy, ông Tuyển cho biết sẽ nỗ lực đóng điện dự án trong tháng 9-2021 để các nhà đầu tư tiến hành các thủ tục vận hành thương mại trước 1-11-2021.
Chủ đầu tư một dự án điện gió tại Quảng Trị cho biết việc hoàn thành trạm biến áp, một công trình quan trọng trong đường dây truyền tải 220kV Đông Hà – Lao Bảo, đã giúp chủ đầu tư các dự án điện gió bớt đi một phần lo lắng khi công trình giải tỏa công suất sắp hoàn thành.
Theo vị này, các công trình điện gió gấp rút xây dựng để kịp vận hành thương mại trước thời điểm chính sách khuyến khích hết hiệu lực, song không thể bán điện, công nhận ngày vận hành, nếu không công trình truyền tải lên lưới điện quốc gia chưa hoàn thành.
Trước đây, do lo lắng không thể COD nên một số chủ đầu tư điện gió đã đề xuất Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công nhận ngày vận hành thương mại “tạm”, tuy nhiên đề xuất này đã không được chấp thuận.
Ông Võ Văn Hưng – chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị – cho biết tỉnh có khoảng 377MW các dự án năng lượng tái tạo đã phát điện và hiện có 31 dự án điện gió đã được cấp có thẩm quyền bổ sung quy hoạch, đang triển khai đầu tư với tổng công suất hơn 1.100MW.
Theo Tuổi trẻ