6 tháng, lỗ sau thuế lên đến 16.500 tỉ đồng, tài sản giảm đến 32.200 tỉ đồng, báo cáo tài chính của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) khiến nhiều người lo ngại giá điện có nguy cơ tăng.
Giá điện năm sau còn bỏ ngỏ
Trong báo cáo tài chính của công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất vừa được EVN công bố cho thấy, hết quý 2 năm nay, tập đoàn có tổng tài sản là trên 673.157 tỉ đồng, giảm hơn 32.200 tỉ đồng so với đầu năm 2022. Vốn chủ sở hữu của tập đoàn cũng giảm 17.231 tỉ đồng so với đầu năm. Trong khi đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong 6 tháng đầu năm lại tăng khoảng 400 tỉ đồng so cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu tăng nhưng lợi nhuận gộp của EVN lỗ hơn 4.200 tỉ đồng do giá vốn bán hàng tăng mạnh. Kết quả lỗ sau thuế của EVN trong 6 tháng đầu năm là 16.586 tỉ đồng.
Trong thông báo chính thức, EVN cho hay do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện như than, dầu, khí tăng đột biến từ đầu năm đến nay đẩy chi phí sản xuất điện của tập đoàn tăng rất cao. Theo tính toán của EVN, giá bán lẻ điện bình quân năm 2022 đã lên mức 1.915,59 đồng/kWh. Mức này cao hơn 2,74% so với giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng từ năm 2019, là 1.844,64 đồng/kWh. Giá bán lẻ điện bình quân 2022 chưa gồm các khoản chênh lệch tỷ giá hợp đồng mua bán điện còn lại trong 3 năm 2019 – 2021 của các đơn vị phát điện. Tính chung 8 tháng, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 181,92 tỉ kWh, tăng 5% so với cùng kỳ 2021. Sản lượng điện sản xuất và chi phí sản xuất điện tăng theo tỷ lệ thuận.
Trước đó, trong báo cáo tình hình kinh tế thương mại 7 tháng của năm nay, Bộ Công thương cho biết, bình quân giá than trộn của Tập đoàn than khoáng sản VN (TKV), Tổng công ty Đông Bắc trong 6 tháng đầu năm đã tăng 63% so cùng kỳ. Giá than nhập khẩu cũng tăng hơn gấp đôi, lên 304,8 USD/tấn. Dầu thô Brent lên 104,4 USD/thùng, gấp gần 2,5 lần so cùng kỳ năm ngoái.
Điều này cho thấy giá điện đang đứng trước áp lực rất lớn khi các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện đều tăng vọt. Chi phí sản xuất và giá bán lẻ điện bình quân tăng nhưng EVN mới đây khẳng định… chưa đề xuất tăng giá điện và tái khẳng định tiếp tục đảm bảo sản xuất, cung ứng điện an toàn, liên tục phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và sinh hoạt của người dân.
Trong tháng 4, ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc EVN, từng cam kết với Chính phủ không tăng giá điện trong năm nay, dù lợi nhuận có bằng 0, nhằm đảm bảo đủ điện cho phục hồi kinh tế sau đại dịch. Lợi nhuận năm nay bằng 0 thì có thể cân đối, nhưng nếu các năm sau mà tiếp tục như vậy, cùng giá nhiên liệu, chi phí đầu vào vẫn tăng, EVN sẽ không thể cân đối được. Đó cũng có thể là lý do khiến trong báo cáo lỗ khủng lần này, tập đoàn cũng bỏ ngỏ liệu có nguy cơ tăng giá điện vào năm sau hay không.
Siết đầu tư dàn trải, tăng năng lượng tái tạo
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh nhận định giá năng lượng không phải là vấn đề riêng của VN mà mọi quốc gia phải đương đầu. Năm nay, chúng ta đang cố gắng đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 7%, còn Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo có thể đạt 7,5%. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế thì VN đang đối mặt với thách thức lớn, đó là giá năng lượng và vấn đề an ninh năng lượng. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, VN chưa nên và không thể tăng giá điện trong bối cảnh phục hồi kinh tế, ít nhất là hết năm 2023.
Ông Doanh phân tích: “Từ đầu năm đến nay, dù các loại nhiên liệu tăng giá, tăng mạnh, nhưng chúng ta vẫn giữ giá điện để ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là một nỗ lực rất lớn trong điều hành nền kinh tế. Nhưng việc ngành điện quá phụ thuộc vào thủy điện, điện than phải tính toán lại sớm. Về lâu dài, chúng ta cần áp dụng các biện pháp sử dụng và khai thác năng lượng bền vững hơn. Cụ thể, cần phải sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hơn trong sản xuất. Khai thác hiệu quả các nguồn năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Theo tôi, các địa phương như miền Trung và miền Nam cần có những chính sách phát triển điện mặt trời, điện gió và cả điện gió ngoài khơi… giá tốt. Bên cạnh đó, trong Quy hoạch điện 8, cần tính đến xu hướng tăng giá của các loại hình năng lượng truyền thống như than, khí. Đẩy mạnh phát triển các loại hình năng lượng mới theo xu hướng thế giới. Từ đó, cần có một chính sách tốt và bền vững để khuyến khích tư nhân đầu tư vào các năng lượng phi truyền thống. Thị trường năng lượng và vấn đề đầu tư, hợp tác quốc tế cũng là những vấn đề cần được đặt ra và giải quyết một cách có hệ thống”.
Một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế, TS Bùi Trinh tỏ ra băn khoăn, ngành thống kê của VN thống kê về năng suất lao động 3 ngành dẫn đầu là điện, khai khoáng và kinh doanh bất động sản. Trong đó, riêng ngành điện đang có năng suất cao gấp 16 – 17 lần so với năng suất lao động chung của nền kinh tế. Năng suất lao động chính là giá trị gia tăng. Về cơ bản, phần này đi vào 2 bộ phận là thu nhập của người lao động và thặng dư sản xuất. Đáng nói là 2 tập đoàn điện và than hiện là doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Công thương. Giá than thuộc ngành khai khoáng tăng là tiền đề cho giá điện tăng. Ngoài ra, một vấn đề khác đặt ra là dù giá trị gia tăng rất cao (ngành điện – NV) nhưng sau đó, trong quá trình phân phối lại, chi phí trung gian quá cao khiến doanh nghiệp lỗ lã và hiệu quả nền kinh tế thu về lại không cao. Ngoài ra, một trong những vấn đề ngành điện cần lưu ý là đầu tư dàn trải mà xuất phát từ yếu kém khâu thiết kế hoặc có hiện tượng “vẽ ra” để lấy công trình khiến rất nhiều công ty điện lực cơ sở bế tắc khâu quyết toán.
Xem thêm: Năng lượng tái tạo là gì?
Phó thủ tướng Lê Minh Khái, đồng thời là trưởng ban chỉ đạo điều hành giá, mới đây lưu ý ngành điện là xem xét chưa điều chỉnh tăng giá điện. Trước áp lực giá tăng của nguyên liệu đầu vào, ngành này phải tiết kiệm chi phí, kiểm soát và tính toán để ổn định giá điện. TS Bùi Trinh cho rằng, chỉ đạo của Thủ tướng đã rõ và trong bối cảnh hiện nay, ngoài việc chưa thể tăng giá điện năm nay và năm sau, ngành điện nên lưu ý vấn đề tiết kiệm, giảm tối đa đầu tư dàn trải, từ công trình lớn đến bé. Quan trọng nhất là kiểm soát việc đầu tư tại các địa phương nhiều hơn.