Viện Năng lượng (Bộ Công thương) vừa có báo cáo giải trình các ý kiến kết luận của Phó thủ tướng Lê Văn Thành tại Thông báo số 91 (3.5.2021) của Văn phòng Chính phủ về Quy hoạch điện 8.
Trong đó, dự kiến năng lượng tái tạo đến năm 2045 đạt 42%.Đáng lưu ý, Quy hoạch điện 8 (Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045) đã đề xuất 3 kịch bản phát triển nguồn điện đáp ứng nhu cầu phụ tải thấp, phụ tải cơ sở và phụ tải cao.Kết quả cân đối công suất của 3 kịch bản mà ngành chọn cho thấy, nguồn năng lượng tái tạo biến đổi (bao gồm gió và mặt trời) có tỷ trọng đạt 24% vào năm 2020; 24 – 27% năm 2030 và 38 – 42% năm 2045 tùy theo kịch bản phụ tải.
Lao đao vì đường truyền
Theo báo cáo này, năm 2020, năng lượng tái tạo mới đạt 24%, nhưng năm qua truyền tải điện phải lắm phen lao đao vì quá tải đường truyền, phải cắt giảm điện từ các dự án năng lượng tái tạo, nhiều dự án điện mặt trời áp mái thừa công suất không tải lên được vì quá tải đường truyền…
Năm 2018, GreenID phối hợp với nhóm chuyên gia xây dựng nghiên cứu “Mô hình sử dụng kết hợp năng lượng mặt trời trong sản xuất nông nghiệp: Kinh nghiệm quốc tế và tiềm năng Việt Nam”.Kết quả nghiên cứu cho thấy sử dụng kết hợp năng lượng mặt trời trong sản xuất nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích kinh tế – xã hội, chủ yếu nhờ năng suất đất của hệ thống sử dụng kết hợp được cải thiện so với mô hình sử dụng cùng diện tích đất cho một mục đích duy nhất.Ngoài ra, mô hình này còn mang lại những lợi ích khác như tiết kiệm chi phí năng lượng (nhờ tiêu thụ điện mặt trời tự sản xuất được), tăng thu nhập cho nông dân địa phương (nhờ cơ hội tăng vốn đầu tư và thu thuế), cải thiện cơ hội quảng bá và sức cạnh tranh (hình thành chuỗi cung ứng/sản xuất bền vững). Đồng thời, có thể cải tiến các phương thức sản xuất nông nghiệp, giảm nhu cầu năng lượng trong thời gian cao điểm, giảm phát thải khí CO2 và phát thải gây nguy hại khác tại địa phương từ các nhà máy nhiệt điện truyền thống (như điện than) và phát triển tổng thể ngành nông nghiệp bền vững hơn, tăng sức cạnh tranh của ngành.
Trong báo cáo giải trình cũng nêu rõ dù đã đưa vào mô phỏng các nguồn lưu trữ năng lượng, nhưng mô hình quy hoạch theo chi phí tối thiểu vẫn lựa chọn cắt giảm một phần năng lượng tái tạo nhằm đáp ứng nhu cầu linh hoạt của hệ thống thay vì đầu tư thêm các nguồn lưu trữ, bởi việc đầu tư thêm các nguồn này sẽ không có hiệu quả kinh tế. Tỷ lệ cắt giảm tính toán từ mô hình là khoảng 1,5% sản lượng năng lượng tái tạo/năm (chưa tính đến cắt giảm do truyền tải nội vùng). Viện này cho rằng, nhiều nước trên thế giới cũng đã áp dụng cắt giảm một phần năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu linh hoạt. Ngoài ra, chấp nhận cắt giảm một phần năng lượng tái tạo cũng là một trong những giải pháp để có thể phát triển nguồn năng lượng tái tạo.
Chuyên gia năng lượng và môi trường Nguyễn Đăng Anh Thi (Canada) nhấn mạnh tiềm năng của năng lượng tái tạo của Việt Nam vô cùng lớn, song mục tiêu sản lượng với năng lượng tái tạo theo đề xuất này chưa xứng với tiềm năng. Lý do tình trạng quá tải đường truyền xảy ra cục bộ tại vài địa phương vừa qua, khiến ngành đặt mục tiêu tỷ trọng sản lượng năng lượng tái tạo giảm và đã có kế hoạch giảm 1,5% sản lượng năng lượng tái tạo là không đúng chiến lược đề ra ban đầu. Dù nguồn điện nào, việc đầu tư vào cải thiện, nâng cấp và mở rộng lưới điện luôn là một yêu cầu quan trọng nhằm đảm bảo quy hoạch điện có hiệu quả.
“Theo tôi, tỷ trọng sản lượng năng lượng tái tạo nói chung đến năm 2025 là 19%, năm 2030 là 25%, 2035 là 31%, 2040 là 34% và 2045 là 40%. Đây là tỷ trọng điện gió và điện mặt trời phù hợp xu hướng thế giới”, ông Anh Thi nói.
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo Xanh (GreenID) – kiêm Chủ tịch Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam, cho rằng cần phải phân tích đánh giá thực trạng để có chính sách thỏa đáng, khắc phục sự thiếu đồng bộ, ngắn hạn. Giải pháp căn cơ cần phải làm ngay là xem xét cấu trúc quản trị, ưu tiên đầu tư các giải pháp cho lưới điện. Về nguồn điện, những gì mà người dân và doanh nghiệp (DN) làm được thì nên ưu tiên, tạo điều kiện cho người dân và DN làm. Đặc biệt, chính sách phát triển năng lượng của quốc gia cần quan tâm hỗ trợ sự tham gia và hưởng lợi của các DN nội, chứ không phải chỉ riêng các DN FDI – vốn đã có rất nhiều lợi thế.
Theo Thanhnien