Điện gió, mặt trời chiếm gần một phần ba công suất, phát hơn 15% sản lượng điện, nhưng Việt Nam, nhất là miền Bắc, vẫn nguy cơ thiếu điện vào mùa nắng nóng.
Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) gần 20.700 MW đến cuối năm 2021, chiếm gần 30% tổng công suất đặt nguồn điện. 4 tháng đầu năm, loại năng lượng này được huy động gần 13,2 tỷ kWh, chiếm 15,4% lượng điện sản xuất toàn hệ thống. 70% số này là nguồn từ điện mặt trời và 30% từ điện gió.
Tỷ trọng công suất và huy động điện từ nguồn năng lượng tái tạo đã cao hơn nhiều trước đây, nhưng Việt Nam có nguy cơ thiếu điện, nhất là vào cao điểm nắng nóng.
Về điều này, tại toạ đàm “Tiết kiệm năng lượng, giải pháp đảm bảo cung ứng điện mùa nắng nóng”, ngày 18/5, ông Nguyễn Anh Tuấn, chuyên gia năng lượng, giải thích, nghịch lý trên trước tiên do tính bất định của năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời).
Các loại hình này có những đặc tính về mùa, vùng miền và tác động của thời tiết…, không phải lúc nào cũng sẵn sàng để phát. Chẳng hạn, nguồn điện mặt trời chỉ đạt hiệu quả phát điện tối ưu vào buổi trưa, bức xạ nhiều. Các nhà máy mặt trời đặt tại miền Trung, miền Nam có công suất phát tốt hơn tại phía Bắc do có số giờ nắng nhiều hơn…
Với điện gió, theo ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN, công suất đặt hiện khoảng 3.900 MW, trong đó 92% được đưa vào vận hành cuối tháng 10 năm ngoái. Theo biểu đồ phát của điện gió, cao điểm thu điện vào tháng 12, 1 và 2; còn thấp điểm là tháng 4, 5 và 6. Công suất phát điện gió không chỉ biến động theo mùa mà hàng ngày, thậm chí biến động mạnh giữa các thời điểm khác nhau trong ngày.
Theo số liệu của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, không nhiều thời điểm điện gió phát cao hơn mức 2.000 MW (một nửa tổng công suất điện gió được vận hành thương mại COD). Cá biệt, nửa cuối tháng 3, nhiều thời điểm công suất phát của điện gió ở mức rất thấp, tối đa trong ngày khoảng hơn 500 MW, thậm chí không có gió để phát điện.
Riêng ngày 19/3, theo ghi nhận của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, tổng công suất phát của điện gió toàn quốc xuống rất thấp, có thời điểm chỉ còn 15 MW, tương đương 0,37% tổng công suất lắp đặt loại năng lượng này. “Tức là ở các tháng cao điểm nắng nóng, nguồn điện gió lại huy động được thấp, nhất là tại miền Bắc”, ông Tuấn nói.
Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và Tăng trưởng xanh, gọi năng lượng tái tạo là nguồn điện “đỏng đảnh”.
Trước đây tỷ trọng điện gió chiếm công suất nhỏ, được lắp đặt ở một vài địa điểm cụ thể nên nguồn này trong hệ thống điện giống như “rắc hạt tiêu lên món ăn”. Khi tỷ trọng điện gió, hay điện mặt trời tăng cao, trở thành nguồn điện quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia thì đặt ra thách thức cho nhà vận hành hệ thống. Đó là cần xây dựng công cụ dự báo để cân đối nhu cầu và khả năng phát của nguồn điện năng lượng tái tạo.
Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương), cũng đề cập sự “đỏng đảnh” của năng lượng tái tạo. Ông nhắc tới trường hợp của Ireland, quốc gia có tiềm năng điện gió rất lớn, ngoài sử dụng trong nước còn bán một phần cho Anh. Tuy nhiên, trong những ngày mùa đông, thời tiết lạnh nhất, cần nguồn năng lượng để sưởi ấm, điện gió lại không phát được.
Ngoài sự “đỏng đảnh” của năng lượng tái tạo, có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới tính khả dụng của các nguồn điện, và bản thân các nguồn năng lượng truyền thống cũng biến động.
“Không phải công suất đặt bao nhiêu MW sẽ phát được bấy nhiêu vào hệ thống điện”, Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng nói.
Chẳng hạn, vào mùa khô, thuỷ điện sẽ phát được ít hơn do cạn nước. Mùa nước, nhiều nhà máy thuỷ điện lớn phải xả bớt nước để đón lũ, lượng nước tích trong hồ thuỷ điện luôn thấp hơn chỉ số thiết kế. Vì thế, công suất phát điện sẽ giảm đi một phần so với công suất lắp đặt.
Yếu tố nữa, là phần lớn các dự án năng lượng tái tạo đều tập trung ở miền Trung, miền Nam, nơi nhu cầu và tăng trưởng điện thấp hơn miền Bắc. Hơn nữa, hạ tầng chưa đáp ứng để truyền tải đủ lượng điện từ miền Trung và miền Nam ra miền Bắc.
Các yếu tố này lý giải công suất đặt nguồn điện toàn hệ thống lên tới hơn 76.600 MW, chỉ phát điện được tối đa hơn 40.000 MW. Và năng lượng tái tạo có công suất lắp đặt chiếm gần 30% hệ thống nhưng “thừa mà lại thiếu điện”.
Từ đó, ông Vũ cho rằng, các nhà lập kế hoạch, xây dựng chính sách và vận hành hệ thống điện cần nắm rõ đặc tính, lập kế hoạch vận hành tối ưu cho hệ thống điện.
Ông Võ Quang Lâm cho biết, để đảm bảo đủ điện cho phục hồi kinh tế sau dịch, tăng trưởng GDP 6-6,5% năm nay thì điện năng tăng trưởng tương ứng 8,3 – 12,4%. Tập đoàn này đã đàm phán với các nhà máy BOT, nhà máy điện độc lập để họ rà soát, đảm bảo huy động tối ưu nhất công suất các nhà máy này vào hệ thống trong cao điểm mùa nắng nóng.
EVN cũng đẩy nhanh kết nối, tăng năng lực truyền tải để mua thêm 130 MW từ Lào, khoảng 500 MW điện từ Trung Quốc nếu cần; tăng nguồn nhiên liệu dự phòng các cho nhà máy điện than, dầu… Ngoài ra, các công ty điện lực cũng làm việc với 18.000 doanh nghiệp, khách hàng lớn hiện đang có máy phát điện diesel, công suất khoảng 7.000 MW, để huy động trong trường hợp cần thiết, đảm bảo nguồn điện tại chỗ.
Theo tính toán của EVN, năm nay miền Bắc sẽ thiếu khoảng 1.500-2.400 MW trong một số giờ cao điểm hoặc thời tiết cực đoan.
Để đủ điện cho phục hồi kinh tế sau dịch, ngoài cân đối các nguồn điện hiện có, ông Hà Đăng Sơn góp ý, về dài hạn Việt Nam cần có chiến lược phát triển lưới điện liên vùng, thúc đẩy thoả thuận mua bán điện và phối hợp điều độ lưới điện trong ASEAN, tương tự EU. Hiện, Việt Nam mới có tuyến kết nối điện truyền tải để mua thêm điện từ Lào, Trung Quốc.
Trong khi đó, lãnh đạo EVN nhìn nhận, Việt Nam cần phát triển thị trường dịch vụ năng lượng. Đây là thị trường dịch vụ tích trữ các loại năng lượng khác để biến thành điện và sử dụng ngay khi cần. Thị trường này sẽ giúp hệ thống điện bền vững, tối ưu khi nguồn năng lượng tái tạo vận hành ngày càng nhiều,
Ông cho biết, ngoài mở rộng một số nhà máy thuỷ điện, phát triển thuỷ điện tích năng để “tích lượng nước, sẵn sàng cho phát điện, EVN đã đề xuất Bộ Công Thương, Chính phủ cho thí điểm dự án 50 MW pin tích trữ năng lượng. Việc này nhằm có nguồn năng lượng tái tạo sử dụng ngay khi có khu vực thiếu, có nhu cầu.
Cùng đó, Việt Nam cần đẩy mạnh các giải pháp tiết kiệm năng lượng, coi đây là “giải pháp chống căng thẳng giúp giảm áp lực cung ứng điện cho nền kinh tế”.
Hiện, Việt Nam sử dụng năng lượng chưa hiệu quả khi vẫn tốn khoảng 400 kg dầu quy đổi để tạo ra 1.000 USD GDP. Con số này cao hơn 30% so với Thái Lan, 40% Malaysia và gấp 4-5 lần Mỹ. Theo tính toán của Bộ Công Thương, mỗi địa phương tiết kiệm 2% điện năng sẽ giúp giảm hàng tỷ kWh điện mỗi năm.
Ngoài ra, chi phí hệ thống năng lượng Việt Nam sẽ tăng ít nhất 5% nếu không tiết kiệm 8-10% năng lượng. Vì thế, tiết kiệm năng lượng, dưới góc nhìn của chuyên gia Nguyễn Anh Tuấn, chính là việc sử dụng năng lượng thông minh, dùng đúng, đủ, tránh lãng phí.
Theo VNExPress