Chỉ còn chưa đến 2 tháng nữa là hết thời gian được hưởng giá mua điện ưu đãi (FIT), nên các dự án điện gió cuống cuồng lo về đích đúng hẹn.
Quay cuồng vì Covid-19
Công ty TNHH Điện gió Lạc Hoà 2 mới đây ra tuyên bố chấm dứt hợp đồng EPC với liên danh nhà thầu là Sinohydro Corporation và Công ty cổ phần Tập đoàn IPC do đối tác không thiện chí hợp tác, không quyết tâm thực hiện dự án, cố tình chối bỏ nghĩa vụ theo hợp đồng EPC.
Nguyên nhân chính yếu được nêu là nhà thầu đến từ Trung Quốc đã vi phạm tiến độ giao hàng tua-bin, gây ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến Dự án Nhà máy điện gió Lạc Hoà 2 (tỉnh Sóc Trăng) đứng trước nguy cơ không thể được công nhận đủ điều kiện vận hành thương mại (COD) cho bất cứ tua-bin nào để kịp hưởng giá FIT sẽ hết hạn vào ngày 31/10/2021 theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo chủ đầu tư, nhà thầu nước ngoài đã vi phạm tiến độ giao hàng tua-bin được hai bên chấp thuận, các lô hàng tua-bin gió số 2, 3, 4, 5 gồm tổng số 32 bộ tua-bin đến cuối tháng 8/2021 vẫn chưa về tới Dự án. Tính tới ngày 25/8, mới chỉ có 8 tua-bin về tới Dự án, nhưng máy biến áp, thiết bị Scada và các phụ kiện lắp dựng kèm theo lại thiếu, nên không thể hoàn thành COD dù lắp dựng được tua-bin.
Chủ đầu tư cho rằng, hợp đồng được ký vào tháng 2/2021, khi dịch bệnh Covid-19 được dự báo còn tiếp diễn, nhưng nhà thầu hoàn toàn chủ quan, không chuẩn bị sớm việc mua hàng, cố ý trì hoãn, dẫn tới việc giao hàng một số vật tư khác trong tháng 9/2021 không có cơ sở chắc chắn. Tất cả khiến dự án có quy mô 130 MW đứng trước nguy cơ không thể vận hành thương mại bất cứ tua-bin nào trước ngày 31/10/2021, dù có hoàn thành lắp dựng.
Việc vi phạm hợp đồng của phía nhà thầu Trung Quốc đã khiến toàn bộ mục tiêu tại Dự án Nhà máy điện gió Lạc Hoà 2 không thể đạt được, trực tiếp gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích kinh tế và hình ảnh của chủ đầu tư. Nếu không thể về đích đúng hẹn để được hưởng mức giá 0,085 UScent/kWh trong vòng 20 năm, Dự án sẽ không có được doanh thu hàng năm cỡ 46 triệu USD.
Trong khi đó, chạy đua thi công gấp rút để về đích giữa lúc đại dịch đang bùng phát ở nhiều địa phương khiến các doanh nghiệp còng lưng gánh thêm chi phí phòng chống dịch, nhưng luôn có nguy cơ bị tạm dừng hoạt động bất ngờ do liên quan tới F0.
Chẳng hạn, để đảm bảo vận chuyển an toàn giữa mùa dịch, chỉ trong 2 tháng, Trung Nam Group đã tổ chức hơn 70 đợt test Covid-19 cho các đoàn vận chuyển, trung bình test 16 lần/người cho nhân sự tham gia vận chuyển, với tổng chi phí gần 1 tỷ đồng. Dẫu vậy, 25 xe vận chuyển siêu trường, siêu trọng chở thiết bị điện gió của doanh nghiệp này mới đây đã bị dừng hoạt động đột ngột do dính tới F0 đến từ đối tác cung cấp dịch vụ xe hậu cần và xe thuê áp tải khóa đầu, khóa đuôi là Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ du lịch PMG.
Muốn thu tiền, phải đủ thủ tục
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, trong tháng 8/2021, đã có 12 tua-bin điện gió với tổng công suất 48,8 MW được công nhận COD. Nếu so với con số 108 nhà máy điện gió có tổng công suất 5.655 MW đã gửi văn bản và hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận COD được EVN chốt sổ ở thời điểm trước 90 ngày (so với mốc 31/10/2021 để kịp hưởng mức giá FIT hiện nay), có thể thấy, rất nhiều dự án sẽ khó về đích đúng hẹn để được hưởng giá bán tốt.
Nhiều nhà đầu tư điện gió cũng cho hay, trong danh sách 108 nhà máy nói trên, có những nhà máy còn chưa triển khai các công việc trên thực địa, nên chuyện cán đích vào cuối tháng 10/2021 là “nói cho vui”.
Lo dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều địa phương tiến hành giãn cách xã hội, nên UBND các tỉnh Trà Vinh, Gia Lai, Sóc Trăng đã có văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương xem xét, chấp thuận gia hạn thời gian áp dụng cơ chế giá FIT đối với các dự án đang triển khai trên thực địa trực thuộc địa bàn tới ít nhất là hết tháng 12/2021, thay vì hết tháng 10/2021.
Đối với những dự án có khả năng về đích đúng hẹn, các chủ đầu tư đang phải nỗ lực hết sức, nếu không muốn tuột mất “quả ngọt” ở những phút cuối cùng. Sở dĩ vậy là bởi các dự án điện gió muốn tiến tới bước được EVN công nhận COD, thì phải có được văn bản chấp thuận của Bộ Công thương hoặc Sở Công thương địa phương cấp về kết quả kiểm tra nghiệm thu hoàn thành công trình để đưa vào sử dụng theo quy định trong các hợp đồng mua bán điện mẫu hiện nay.
Với các quy định hiện hành, thì văn bản chấp thuận của Bộ/Sở Công thương phải có trước khi công nhận COD của toàn bộ hay một phần dự án điện gió, bởi nếu không, phần công suất điện gió liên quan sẽ không được hưởng giá FIT. Điều này dĩ nhiên là bất lợi cho chủ đầu tư bởi cơ chế giá cho điện gió từ ngày 1/11/2021 chưa rõ ràng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, chủ một dự án điện gió ở miền Tây Nam bộ cho hay, do đã có kinh nghiệm triển khai các dự án điện trước đó, nên họ hiểu rõ quy trình này và đang triển khai các công việc liên quan, dù thủ tục rất mất thời gian.
“Trong điều kiện khó khăn, dịch bệnh, doanh nghiệp nhiều ngành phải đóng cửa, dừng hoạt động, thì việc ngân sách địa phương thu thêm được từ thuế giá trị gia tăng của các nhà máy điện gió khi vào vận hành phát điện là rất quý. Vì vậy, địa phương cũng nhiệt tình hỗ trợ ở thời điểm nước rút này để doanh nghiệp kịp vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021”, nhà đầu tư điện gió này cho hay.
Theo Báo Đầu Tư