Cảng hàng không Quảng Trị sẽ là sân bay dân dụng mới thứ tư do chính quyền cấp tỉnh trực tiếp đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP).
Gọi vốn tư nhân
Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Cơ quan thường trực Hội đồng Thẩm định liên ngành vừa có Công văn số 8326/BKHĐT-GSTĐĐT gửi các thành viên Hội đồng để lấy ý kiến về việc phê duyệt Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị theo phương thức PPP.
Đây là cơ sở để Cơ quan thường trực Hội đồng báo cáo kết quả thẩm định, trong trường hợp có đa số thành viên đồng thuận sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án.
Trước đó, vào đầu tháng 11/2021, UBND tỉnh Quảng Trị đã có Tờ trình số 176/TTr đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng cảng hàng không Quảng Trị theo phương thức PPP.
UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, tờ trình này đã được địa phương tiếp thu ý kiến của một số thành viên Hội đồng Thẩm định liên ngành tại các văn bản góp ý trong giai đoạn từ tháng 6/2021 đến tháng 7/2021.
Điểm nhấn đầu tiên tại Tờ trình là việc UBND tỉnh Quảng Trị kiến nghị người đứng đầu Chính phủ giao tỉnh là cơ quan có thẩm quyền Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị theo phương thức PPP.
Như vậy, nếu được chấp thuận, Quảng Trị sẽ là sân bay dân dụng mới thứ tư do chính quyền cấp tỉnh trực tiếp đầu tư theo phương thức PPP. Trước đó, việc xây dựng mới 3 cảng hàng không theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT là Vân Đồn (Quảng Ninh), Sa Pa (Lào Cai) và Phan Thiết (Bình Thuận) cũng đã được Chính phủ giao các địa phương nơi đặt các sân bay này làm đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
“Kinh nghiệm từ việc Quảng Ninh triển khai sân bay Vân Đồn theo phương thức PPP cho thấy, việc giao địa phương trực tiếp đầu tư các sân bay mới không còn là một rào cản không thể vượt qua”, một lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đánh giá.
Theo đề xuất của ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Cảng hàng không Quảng Trị sẽ là sân bay dân dụng cấp 4C và sân bay quân sự cấp II, được đầu tư vượt xa quy hoạch được Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) phê duyệt vào tháng 1/2021 là 1 triệu lượt khách/năm và 3.100 tấn hàng hóa, khai thác tàu bay Code C (Airbus 320/321 hoặc tương đương) vào năm 2030.
Cụ thể, ngay trong giai đoạn I, Dự án sẽ xây dựng các công trình cơ bản của Cảng hàng không Quảng Trị đạt công suất khoảng 2,2 triệu lượt khách/năm vào năm 2046 và khoảng 5.600 tấn hàng hóa vào năm 2042. Trong giai đoạn II, Dự án sẽ đầu tư hạ tầng khu phục vụ mặt đất vào năm 2029; mở rộng nhà ga hành khách vào năm 2047, đảm bảo khai thác đến 5 triệu lượt hành khách; mở rộng nhà ga hàng hóa đợt 1 vào năm 2043 với công suất 13.700 tấn/năm.
Để ngỏ phương án chọn nhà đầu tư
Điểm nhấn thứ hai tại Tờ trình số 176/TTr của UBND tỉnh Quảng Trị là quy mô vốn đầu tư Dự án cho cả 2 giai đoạn là 5.822,9 tỷ đồng, trong đó giai đoạn I là 2.913,6 tỷ đồng, gồm vốn nhà đầu tư huy động là 2.680 tỷ đồng và vốn ngân sách trung ương hỗ trợ là 233 tỷ đồng.
Dự kiến, vốn Nhà nước tham gia Dự án sẽ dùng để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng (giai đoạn I) và trụ sở các cơ quan nhà nước tại Cảng như hải quan, công an (giai đoạn II).
Ngoài các công trình hàng không dân dụng thiết yếu như đường cất hạ cánh, nhà ga, đường kết nối…, nhà đầu tư sẽ phải bỏ vốn xây dựng các hạng mục công trình quản lý bay (đài kiểm soát không lưu, hệ thống quan trắc khí tượng).
Sau khi hoàn tất, nhà đầu tư sẽ bàn giao hạng mục công trình quản lý bay cho UBND tỉnh Quảng Trị thực hiện bàn giao tiếp cho Bộ GTVT. Bộ GTVT sẽ giao tài sản này cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) quản lý, sử dụng theo hình thức ghi tăng vốn nhà nước tại VATM.
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, nếu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, Dự án sẽ có thời gian chuẩn bị và đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2021- 2024, trong đó thời gian xây dựng công trình chỉ vỏn vẹn 22 tháng. Để hoàn vốn, nhà đầu tư được lựa chọn sẽ có quyền thu phí cất hạ cánh và một số loại dịch vụ khác trong vòng 47 năm 4 tháng.
Cần phải nói thêm, đề xuất Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị theo phương thức PPP đang được UBND tỉnh Quảng Trị giao Tập đoàn T&T lập.
Mặc dù vậy, tại Công văn số 5742/UBND-CN gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào ngày 24/11/2021 để báo cáo bổ sung một số nội dung về Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án, ông Lê Đức Tiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, theo quy định tại Luật PPP, dự án do nhà đầu tư đề xuất vẫn phải tổ chức đấu thầu rộng rãi hoặc đàm phán cạnh tranh.
“Sau khi có chủ trương đầu tư, UBND tỉnh Quảng Trị sẽ triển khai đồng thời khảo sát nhà đầu tư cùng với việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án theo đúng quy định hiện hành”, ông Tiến cho biết.
Theo Báo Đầu Tư