Với hơn 3.000 km đường bờ biển, Việt Nam có nguồn tài nguyên gió ngoài khơi dồi dào và là thị trường mới nổi về gió ngoài khơi. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), điện gió ngoài khơi có tiềm năng cung cấp 12% điện năng của Việt Nam vào năm 2035.
Nếu phát triển được sản lượng điện nêu trên để thay thế dần điện than có thể giúp Việt Nam giảm thiểu phát thải hơn 200 triệu tấn CO2.
Theo kết quả khảo sát của chương trình đánh giá về năng lượng cho châu Á của WB, Việt Nam có tiềm năng gió lớn nhất khu vực Đông Nam Á với tổng tiềm năng điện gió ước đạt 513.360 MW, lớn gấp 200 lần công suất của nhà máy thủy điện Sơn La (công suất lớn nhất Việt Nam) và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện Việt Nam năm 2020.
Điện gió ngoài khơi là một nguồn năng lượng tái tạo có triển vọng phát triển lớn, có thể lắp đặt các trang trại gió ngoài khơi trên vùng biển rộng lớn. Ưu điểm chính của năng lượng gió ngoài khơi là khả năng tạo ra điện cao hơn vì tốc độ gió trên đại dương thường ổn định và mạnh hơn so với trên đất liền. Ngoài ra, một điểm cộng khác là thực tế không giới hạn các địa điểm ngoài khơi để triển khai trang trại điện gió mà ít hoặc không ảnh hưởng đến xung đột dân cư. Hơn nữa, những tiến bộ gần đây trong công nghệ gió ngoài khơi giúp giảm chi phí vốn, lắp đặt và vận hành.
Theo Báo Thanh Niên