Chuyển đổi xanh góp phần xây dựng nguồn năng lượng bền vững

by | Apr 13, 2022

Chuyển dịch sang năng lượng xanh sẽ thúc đẩy an ninh năng lượng và bảo vệ Việt Nam trước các cuộc khủng hoảng năng lượng có thể xảy ra và thực tế nguồn cung điện đang có những thách thức nhất định.

Thách thức nguồn cung điện

Theo đánh giá của EVN, các nguồn điện mới dự kiến hoàn thành hàng năm trong giai đoạn 2022-2025 luôn thấp hơn so với tăng trưởng phụ tải nên việc đảm bảo cung cấp điện ngày càng khó khăn và có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh vào các tháng 5-7 là thời điểm nắng nóng cuối mùa khô.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Quốc Phương – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận định, nền kinh tế nước ta đang bước vào giai đoạn phục hồi sau hơn 2 năm đình trệ bởi dịch bệnh, nhu cầu sử dụng năng lượng sẽ tăng cao. Đặc biệt, hai năm 2022-2023 sẽ là cao điểm thực thi các gói giải pháp của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội, cũng là thời điểm được dự báo sẽ có sự tăng trưởng cao hơn của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, qua tính toán cân đối cung cầu điện toàn quốc cho thấy, việc đảm bảo cung ứng điện thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là ở miền Bắc (chiếm gần 50% tổng nhu cầu điện toàn quốc) tiếp tục được dự báo tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước. Tuy nhiên, các nguồn điện mới dự kiến hoàn thành hàng năm trong giai đoạn 2022-2025 luôn thấp hơn so với tăng trưởng phụ tải. Trong khi đó, việc hỗ trợ cấp điện từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc bị giới hạn bởi năng lực truyền tải 500kV.

Không chỉ có vậy, theo tính toán Đề án Quy hoạch điện VIII, trong giai đoạn 2021-2030, để đáp ứng nhu cầu phát triển, ngành Điện cần đầu tư khoảng 13 tỷ USD/năm. Huy động và sử dụng hiệu quả số vốn này cũng còn đầy thách thức.

Các biện pháp can thiệp rất hữu ích trong ngắn hạn và giúp làm giảm rủi ro “lạm phát và suy thoái” ở Việt Nam cũng như ở các nước khác, nhưng chúng không giải quyết được các vấn đề về lâu dài.

Mặt khác, Việt Nam đang phụ thuộc ngày càng nhiều vào năng lượng nhập khẩu, nên không thể thoát khỏi sự biến động trên thị trường toàn cầu. Việt Nam sản xuất một lượng tương đối nhỏ dầu thô, khí đốt tự nhiên và than đá, không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu là điều khó tránh khỏi trong ngắn hạn, nhưng giảm sự phụ thuộc này là cần thiết trong trung hạn. Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam sẽ là một chiến lược đạt được 2 mục tiêu cùng một lúc: Giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu và cải thiện an ninh năng lượng của mình, cũng như góp phần chống biến đổi khí hậu. Việt Nam đã tăng cường sản xuất năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời áp mái. Điện gió ngoài khơi cũng là một nguồn điện sạch tiềm năng rất lớn ở Việt Nam.

Theo PGS.TS. Bùi Xuân Hồi – chuyên gia kinh tế năng lượng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc, để thu hút đầu tư thì khía cạnh lợi ích phải đặt hàng đầu, nhất là với các doanh nghiệp tư nhân. Sẽ không thể thu hút đầu tư vào ngành Điện nếu không có cơ chế giá điện đủ hấp dẫn nhà đầu tư, từ đó khó đảm bảo an ninh trong cung cấp điện. “Trọng tâm nhất là phải có cơ chế giá, lần điều chỉnh gần nhất là năm 2019 trong khi giá đầu vào luôn biến động. Giá than, khí tăng cao, kéo chi phí đầu vào tăng chóng mặt”, ông Bùi Xuân Hồi nhấn mạnh.

Đảm bảo độc lập về năng lượng

Chuyển đổi xanh sẽ thúc đẩy an ninh năng lượng và bảo vệ Việt Nam trước các cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trong một thế giới đầy bất ổn.

Mới đây, Hội nghị “”Giải pháp cắt giảm chi phí điện năng và chuyển dịch sang năng lượng xanh với sự tham gia của những thương hiệu hàng đầu cung cấp sản phẩm trong lĩnh vực năng lượng sạch diễn ra tại Đà Nẵng đã thu hút được sự quan tâm của nhiều khách hàng.

Theo đánh giá của các chuyên gia tại hội nghị, để nâng cao hiệu quả sử dụng điện, các nhà sản xuất đã  phát triển công nghệ Inverter cho phép người dùng sử dụng thiết bị điện với công suất thấp hơn, tối ưu hóa nguồn điện năng.. Ứng dụng thường thấy nhất của công nghệ này là trong ngành điện lạnh, sản xuất điều hòa, tủ lạnh…

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo,theo định hướng phát triển nền kinh tế xanh bền vững, phù hợp với những cam kết quốc tế trong thời gian qua.

Với cơ chế thông thoáng cùng sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Công thương, địa phương, các doanh nghiệp và sự hỗ trợ tích cực của ngành điện, chỉ trong vài năm trở lại đây, đã có hơn 17.000 MW điện mặt trời nối lưới, trong đó có khoảng 9.000 MW điện mặt trời áp mái đã đi vào vận hành.

Các cơ chế cùng tạo nhiều điều kiện cho hàng nghìn nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia thị trường, từ nghiên cứu, sản xuất, phân phối, lắp đặt, dịch vụ đến tài chính, bảo hiểm… góp phần hình thành thị trường năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Theo các chuyên gia về năng lượng, Việt Nam hiện còn nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian tới như: Phát triển điện mặt trời nổi trên các công trình thủy điện; phát triển điện gió ngoài khơi gắn với phát triển hydro; giải pháp về tích trữ năng lượng, hay phân tán điện mặt trời…

Để phát huy hiệu quả tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo theo hướng tới tăng xanh và phát triển bền vững, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hóa các ngành kinh tế, theo đó đến năm 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014; mục tiêu đến năm 2050, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 30% so với năm 2014. 

Theo Kinh Tế và Môi Trường

Đánh giá

Xem thêm