Site icon Minh Hoàng Crane

Bạc Liêu hướng đến trung tâm năng lượng sạch quốc gia

Bạc Liêu hướng đến trung tâm năng lượng sạch quốc gia

Những dự án điện gió liên tiếp được hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại, dự án điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) 4 tỉ USD cũng đang triển khai, Bạc Liêu hướng đến là trung tâm năng lượng sạch của quốc gia.

Hiện tại Bạc Liêu là địa phương có nhiều dự án điện gió đưa vào vận hành thương mại nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Những dự án về đích

Từ những thửa đất mênh mông, chằng chịt những ao hồ, kênh rạch sau 1 năm đã mọc lên các tuôcbin gió khổng lồ cao ngút ngợp tầm mắt, con đường nội bộ bon bon xe chạy, khối nhà điều hành hiện đại, trạm biến áp bề thế…

Với những dự án nêu trên về đích một cách thần tốc, nhà máy điện gió trên bờ đã chính thức hiện hữu tại mảnh đất Bạc Liêu.

Trước cuối năm 2021, Bạc Liêu chỉ có 1 dự án điện gió đã hoàn thành, nhưng những tin vui liên tiếp đến trong những tháng cuối năm nay khi có 7 dự án khác trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đưa vào vận hành thương mại.

Đáng chú ý nhất trong số này là dự án điện gió Hòa Bình 5 – giai đoạn 1 (do Công ty cổ phần năng lượng Hacom Bạc Liêu, công ty thành viên của Công ty cổ phần đầu tư Hacom Holdings, làm chủ đầu tư) chính thức được công nhận vận hành thương mại (COD).

Khởi công từ ngày 11-10-2020 ở 2 xã Vĩnh Thịnh và Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình), dự án có quy mô công suất 80MW, với 26 trụ tuôcbin và có tổng mức đầu tư xấp xỉ 3.700 tỉ đồng. Đây là dự án điện gió ven bờ biển có công suất lớn nhất khu vực ĐBSCL.

Ông Trần Phú Chiến – chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư Hacom Holdings – cho biết trong quá trình thi công dự án gặp không ít khó khăn như nền địa chất rất yếu, nhiều sình lầy, cọc li tâm phải đóng sâu

50-70m, việc vận chuyển thiết bị siêu trường siêu trọng…, nhưng chủ đầu tư đã nhận được sự hỗ trợ rất kịp thời của các sở, ngành liên quan của tỉnh Bạc Liêu, đặc biệt là được tạo điều kiện cho các chuyên gia vào tỉnh trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Bạc Liêu, dự án này sau khi hoàn thành sẽ phát điện khoảng 280 triệu KWh/năm và đóng góp vào nguồn thu ngân sách tỉnh hằng năm khoảng 60 tỉ đồng.

Cũng trong cuối tháng 10-2021, toàn bộ các tuôcbin của nhà máy điện gió Kosy Bạc Liêu giai đoạn 1 – công suất 40,5MW do Công ty cổ phần điện gió Kosy Bạc Liêu, một thành viên của Tập đoàn Kosy làm chủ đầu tư, chính thức được công nhận vận hành COD.

Nằm trên địa bàn huyện Hòa Bình, dự án có tổng mức đầu tư trên 1.600 tỉ đồng, được khởi công xây dựng từ tháng 10-2020, chỉ sau 1 năm toàn bộ dự án đã hoàn thành dù từ giữa năm 2021 Bạc Liêu cũng như các địa phương khác trong vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.

Sức bật mới cho tỉnh thuần nông

Ông Phan Văn Sáu – giám đốc Sở Công thương tỉnh Bạc Liêu – cho biết lĩnh vực năng lượng sạch đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo ưu tiên phát triển trong thời gian qua và được xác định là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động và hình thành nên sức bật mới cho 1 tỉnh thuần nông hướng đến công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

Trong đó năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và điện khí là lĩnh vực được quan tâm ưu tiên đầu tư và là 1 trong 5 trụ cột phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, tạo điều kiện cho công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng sạch có bước phát triển mạnh, nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh của tỉnh trong lĩnh vực này.

Tiềm năng và thế mạnh đó là Bạc Liêu có bờ biển dài 56km, bãi bồi ven biển rộng và tương đối bằng phẳng, vùng ven biển có gió mạnh và khá ổn định (bình quân tốc độ gió là 7m/s) càng ra xa bờ tốc độ gió càng cao, là một trong những tỉnh có tiềm năng phát triển điện gió tốt nhất trong cả nước, có nắng hầu như quanh năm, với số giờ nắng đạt khoảng 2.200 – 2.700 giờ/năm (giá trị bức xạ đạt trên 4,8 kWh/m2/ngày), điều kiện khí hậu tốt, địa hình bằng phẳng, rất ít bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, động đất, sóng thần, đây là những điều kiện thuận lợi cho khai thác tiềm năng về năng lượng tái tạo và điện khí.

Hiện Bạc Liêu còn 2 dự án điện gió khác đang trong quá trình thi công, trong đó 1 dự án của nhà đầu tư Nhật Bản có quy mô 50MW và 1 dự án khác có quy mô 142MW.

Theo Tuổi Trẻ

Đánh giá
Exit mobile version