Giáo sư Mark Zachary Jacobson tin vào tương lai chuyển đổi năng lượng tái tạo của Việt Nam. Việt Nam có đường bờ biển dài và tài nguyên điện gió ngoài khơi hay trên đất liền đều phong phú….
Trong phần diễn thuyết truyền cảm hứng “Đổi mới hiện tại. Kiến tạo tương lai” trước hàng trăm nhà khoa học và sinh viên tại Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2022, Giáo sư Mark Zachary Jacobson, Giám đốc Chương trình Khí quyển Năng lượng, Đại học Stanford đã chia sẻ về lý do tại sao thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng cần chuyển đổi sang 100% năng lượng xanh.
Có nhiều cách để chuyển dịch 100% sang năng lượng xanh
“Lý do tôi nghiên cứu chủ đề trên nhiều năm vì đây là vấn đề của hơn 7 tỷ người, và bây giờ là 8 tỷ người. Hàng triệu người bị ảnh hưởng sức khỏe và vạn người tử vong vì ảnh hưởng ô nhiễm không khí, tốn 30.000 tỷ USD mỗi năm trên toàn cầu. Đó cũng là khoản chúng ta phải chi ra cho vấn đề ấm lên toàn cầu vào năm 2050”, Giáo sư Jacobson mở đầu.
An ninh năng lượng là chủ đề nóng, ảnh hưởng tới cả chính trị-xã hội mỗi quốc gia. Trong khi đó, ta có thể thấy năng lượng tái tạo, như năng lượng gió, năng lượng mặt trời có ở nhiều nơi trên thế giới. Vấn đề lớn này cần có giải pháp tức thời để thực hiện.
Giáo sư Jacobson đề xuất, với vận tải, có thể dùng năng lượng mặt trời. Về xây dựng, chúng ta có thể dùng năng lượng xanh như năng lượng mặt trời, điều hòa máy sưởi bằng các hình thức địa nhiệt. Với sản xuất công nghiệp, chúng ta có thể khai thác các lò đốt sử dụng phát thải thấp, sử dụng năng lượng xanh từ gió, nước, mặt trời.
Ta có thể nghĩ tới hệ thống lưu trữ 100% năng lượng tái tạo này, có thể từ nhiệt, từ địa nhiệt, mặt trời, gió… Các đập thủy điện hiện có thể dùng làm tích năng để sử dụng ban đêm, hoặc khi mưa gió không có năng lượng mặt trời. Hoặc lưu trữ từ điện gió để sử dụng khi khác, mùa khác. Ta có thể lưu trữ bằng các dạng pin dưới đất. Tức là có nhiều cách để chuyển dịch 100% sang năng lượng xanh cho mọi mục đích.
Giảm bớt 56% năng lượng nếu chuyển đổi xanh
Theo Giáo sư Jacobson, kết quả phân tích từ 145 quốc gia toàn cầu của các cơ quan năng lượng quốc tế, đến năm 2050, ước tính nhu cầu năng lượng là 204 TW (năm 2018 là 13,1 TW). Nhưng khi chuyển dịch năng lượng từ phát thải sang tái tạo, không phát thải (gió, nước, mặt trời) thì nhu cầu tới 2050 chỉ là 8,9 TW. Tức là chúng ta có thể giảm bớt 56% năng lượng nếu chuyển sang dùng năng lượng gió, nước và mặt trời.
Xem thêm: Năng lượng tái tạo là gì và có những loại năng lượng tái tạo nào?
Việc chuyển dịch năng lượng có thể giúp giảm 1,5 độ C, hạn chế sự nóng lên toàn cầu. Hiện nay các nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo đang chiếm 30%. Đến năm 2050, nếu 100% sang năng lượng tái tạo thì sự chuyển đổi nhanh hơn.
Công nghệ chưa hoàn toàn hỗ trợ ta trong 10 năm nữa để xây dựng lò phản ứng hạt nhân mới. Thường mất khoảng 20 năm từ khi lên kế hoạch cho đến khi hoàn thiện một nhà máy điện hạt nhân. Phần Lan vừa công bố năm 2024 sẽ xây dựng nhà máy điện hạt nhân, nhưng rồi họ phải hủy bỏ. Nhiều nước cũng thế, do lo ngại về vấn đề an ninh. Vì thế, đầu tư cho điện hạt nhân tốn kém hơn nhiều so với xây dựng điện gió.
“Tại sao ta phải chờ 15-20 năm mới xây được một nhà máy nguyên tử, trong khi chỉ cần 6 tháng để có một dự án điện áp mái (mặt trời) ra đời? Vì sao ta phải mất nhiều tiền để khai thác những thứ khó, mà không dùng ngay nguồn năng lượng xanh từ hydro, có thể tích tụ sử dụng cho tương lai? Đặc biệt là khả năng giảm thiểu ô nhiễm không khí, đất và các nguồn khác?”, Giáo sư Jacobson đặt vấn đề.
Giảm khoảng 92% chi phí khi dùng năng lượng tái tạo
Giáo sư Jacobson đưa ra so sánh chi phí cho năng lượng mỗi năm giữa năng lượng tái tạo và hóa thạch của 145 quốc gia trên thế giới. Theo đó, năng lượng tái tạo chiếm khoảng 6,6 nghìn tỷ USD mỗi năm, trong khi cho các loại năng lượng khác (như hóa thạch) lên đến 83 nghìn tỷ USD mỗi năm. Như vậy, chúng ta có thể giảm khoảng 92% chi phí khi dùng năng lượng tái tạo.
Theo nghiên cứu của Giáo sư Jacobson, đến năm 2050, Việt Nam phải chi 748 tỷ USD mỗi năm nếu sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch và con số này chỉ là 99 tỷ USD nếu dùng năng lượng tái tạo.
“Chúng ta đang chuyển dịch thế giới sang năng lượng tái tạo 100%. Chúng ta có thể tạo ra hơn 28 triệu việc làm mỗi năm trên toàn cầu, trong đó, tại Việt Nam có 764 nghìn công việc mới. Chỉ cần 0,17% đất để xây dựng các nhà máy năng lượng mới, chúng ta giảm được 7 triệu ca tử vong do ô nhiễm không khí mỗi năm, riêng Việt Nam là 44 nghìn người”, Giáo sư Jacobson kết luận.
Trả lời câu hỏi của khán giả, ông Jacobson tin vào tương lai chuyển đổi năng lượng tái tạo của Việt Nam.
Việt Nam có đường bờ biển dài và tài nguyên điện gió ngoài khơi hay trên đất liền đều phong phú. Việt Nam cũng có nhiều thủy điện. Để tăng tốc phát triển năng lượng tái tạo, theo Giáo sư Jacobson, Việt Nam có thể sử dụng hệ thống điện mặt trời nhiều quy mô khác nhau.
Xem thêm: Bảo trì điện gió
Về lý do khiến năng lượng tái tạo chưa chiếm tỷ trọng lớn, Giáo sư Jacobson nói: “Tôi nghĩ rào cản lớn nhất là ngành năng lượng hóa thạch đầu tư lớn. Các nhà máy điện than được đầu tư lớn và chưa xóa bỏ được ngay. Tôi không rõ Việt Nam ra sao, nhưng tại Mỹ có trợ giá cho than, nên nếu chuyển đổi ngay thì chưa khả thi. Tất nhiên cần lộ trình và đẩy nhanh quá trình chuyển dịch. Ta có thể thay đổi các công trình đơn lẻ từ bây giờ”.
Công nghệ tái tạo sẽ tự sản sinh ra tiền
Trả lời câu hỏi của phóng viên về nguồn tiền để làm ra công nghệ tái tạo, ông Jacobson nói: “Công nghệ tái tạo sẽ tự sản sinh ra tiền. Nếu các nước không có quá nhiều tiền, cần thực hiện chính sách trợ giá để đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi. Vì việc đầu tư sẽ sinh lợi và hoàn vốn nhanh, việc tiết kiệm chi phí sẽ hiệu quả”.
Theo Giáo sư Jacobson, có 2 điều quan trọng nhất là phải giáo dục cộng đồng và những nhà hoạch định chính sách về chuyển đổi năng lượng. Khi mỗi nước đưa vào luật quá trình chuyển đổi năng lượng thì sẽ hình dung ra kế hoạch, giải pháp đặt ra, nhưng quan trọng nhất là cần giáo dục để người dân hiểu sự chuyển đổi quan trọng thế nào và khi có chính sách thì thực hiện chính sách ra sao.
Theo Nhân Dân