Một số địa phương đề xuất gia hạn giá FIT ưu đãi đến hết năm 2021 hoặc quý I/2022 cho các dự án điện gió khó thi công do vướng dịch bệnh kéo dài.
UBND tỉnh Sóc Trăng vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương, kiến nghị trình Thủ tướng Phạm Minh Chính gia hạn đến hết 31/3/2022 khi bán điện với các dự án điện gió theo cơ chế giá FIT tại quyết định 39/2018.
Điều kiện với các dự án điện gió được gia hạn là đang thi công, có hợp đồng mua bán điện được ký; hợp đồng mua sắm thiết bị đã ký kết báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật được phê duyệt. Dự án cũng cần xong đền bù, giải phóng mặt bằng; đang thi công thực tế, và bị chậm trễ tiến độ vào vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021.
Tỉnh Sóc Trăng đưa ra kiến nghị này, do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến tiến độ cung cấp turbin cho các dự án điện gió bị chậm, khiến số dự án này không kịp hoàn thành đưa vào vận hành thương mại trước tháng 11 năm nay. Cùng đó, thời gian thi công, lắp đặt bị kéo dài, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, xuất nhập cảnh của công nhân kỹ thuật, chuyên gia nước ngoài bị gián đoạn, dẫn tới chậm trễ tiến độ thi công.
Trong khi đó, hiện còn khoảng 3 tháng tới thời điểm giá FIT hết hiệu lực (ngày 1/11/2021), rất khó để kịp huy động nhân lực, máy móc thi công và đưa các nhà máy điện gió vào vận hành thương mại.
Mặt khác, hàng loạt khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công như vận chuyển thiết bị điện gió là hàng siêu trường, siêu trọng trên các tuyến giao thông về đến chân công trình phải nâng độ cao tĩnh không của đường dây điện, cáp viễn thông, mở rộng bán kính cong của đường giao thông.
Nhà thầu cung cấp thiết bị ở nước ngoài chậm trễ thi công do Covid-19 ở nước sở tại, phải thực hiện cách ly theo quy định với người tới từ vùng dịch…, cũng gây khó khăn cho nhân viên ngành điện thực hiện công tác nghiệm thu trạm biến áp, đường dây.
Theo quy hoạch điện VII, Sóc Trăng có 20 dự án điện gió với tổng công suất 1.435 MW. UBND tỉnh đã hoàn thành thủ tục, chấp thuận chủ trương đầu tư với 16 dự án, tổng công suất hơn 1.095 MW, trong đó 11 dự án đang thi công.
Khó khăn tương tự cũng xảy ra với các dự án điện gió tại tỉnh Gia Lai. Vì thế, Sở Công Thương tỉnh này đề nghị UBND tỉnh Gia Lai kiến nghị Thủ tướng, Bộ Công Thương xem xét gia hạn thời gian áp dụng giá FIT với các dự án điện gió tại Gia Lai đến hết năm 2021, thay vì hết tháng 10/2021.
Theo quy hoạch điện VII điều chỉnh, tỉnh Gia Lai có 16 dự án điện gió với công suất 1.192,4 MW. Ngoài ra, dự án điện gió trang trại phong điện HBRE Chư Prông công suất 50 MW được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực Gia Lai giai đoạn 2016-2025, có xét đến 2035. Như vậy, Gia Lai có 17 dự án điện gió, tổng công suất 1.242,4 MW được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực. Sau khi thực hiện công bố quy hoạch, UBND tỉnh đã phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư cho 17 dự án này.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), để đáp ứng điều kiện hạn nộp hồ sơ chạy thử nghiệm thu chuẩn bị công nhận COD trước ngày 31/10/2021, chủ đầu tư các nhà máy điện gió phải gửi văn bản, hồ sơ cho EVN muộn nhất ngày 3/8.
Và đến ngày 3/8, đã có 106 dự án điện gió đăng ký đóng điện, thử nghiệm COD. Như vậy, tới trước 1/11, dự kiến hệ thống điện quốc gia sẽ có thêm 5.655,5 MW từ điện gió vào vận hành.
Cũng theo EVN, tới đầu tháng 8, đã có 21 nhà máy điện gió với tổng công suất là 819 MW vào vận hành thương mại.
Theo quyết định 39, giá FIT ưu đãi cho điện gió trên biển là 9,8 cent một kWh (tương đương 2.223 đồng) và trên bờ là 8,5 cent một kWh (khoảng 1.927 đồng). Giá này chưa gồm thuế VAT, được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy có ngày vận hành thương mại trước 1/11/2021 và áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
Các dự án không kịp vận hành thương mại trước 1/11 sẽ không được hưởng giá FIT ưu đãi trong 20 năm, và có thể phải chuyển sang cơ chế đấu thầu giá. Hiện Bộ Công Thương vẫn trong quá trình hoàn thiện cơ chế này.
Theo VNExpress