Công ty Svevind lên kế hoạch xây dựng các trang trại điện gió và mặt trời tại Kazakhstan để phục vụ việc sản xuất hàng triệu tấn hydro mỗi năm.
Dự án quy mô lớn nhằm sản xuất khoảng 3 triệu tấn hydro mỗi năm, New Atlas hôm 29/6 đưa tin. Hãng này sẽ xây trang trại điện gió và điện mặt trời với tổng công suất 45 GW trên những thảo nguyên rộng lớn chủ yếu thuộc miền tây và miền trung Kazakhstan. Lượng điện xanh này sau đó sẽ dùng để vận hành các máy điện phân hydro.
Dự án mới sẽ trở thành dự án sản xuất hydro xanh lớn nhất thế giới. Nó có công suất hơn gấp đôi so với dự án Asian Renewable Energy Hub ở Australia và gấp 5 lần dự án Enegix Base One ở Brazil. Nhà máy hydro xanh lớn nhất thế giới hiện nay thuộc công ty Air Liquide và đặt tại Canada, chỉ dùng các máy điện phân công suất tối đa 20 MW, trong khi dự án của Svevind sẽ sử dụng các máy điện phân công suất 30 GW.
Dự án của Svevind vẫn đang trong giai đoạn đầu. Svevind vừa ký thỏa thuận với công ty cổ phần Kazakh Invest National sau khi trình bày kế hoạch với các nhà chức trách Kazakhstan vào tháng 5. Các giai đoạn phát triển, thiết kế, mua trang thiết bị và và huy động vốn sẽ cần khoảng 3 – 5 năm, giai đoạn xây dựng và chạy thử dự kiến là 5 năm.
Kazakhstan là nước có diện tích đứng thứ 9 thế giới nhưng lại thưa dân cư, mật độ dân số chỉ là 7 người trên mỗi km2. Thảo nguyên rộng lớn chiếm tới 1/3 diện tích cả nước, lớn hơn cả Pakistan. Vì vậy, quốc gia này có rất nhiều không gian mở để sản xuất năng lượng tái tạo, kể cả khi không phải là nơi nhiều gió nhất. Kazakhstan cũng có vị trí thuận lợi để xuất khẩu hàng hóa sang châu Á hoặc châu Âu. Ngoài ra, các ngành công nghiệp amoniac, thép và nhôm cũng có thể sử dụng hydro sản xuất trong nước.
Theo New Atlas